Theo Tổ chức Y thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm gần 10 triệu ca tử vong vào năm 2020. Các bệnh ung thư phổ biến nhất là ung thư vú (2,26 triệu ca), ung thư phổi (2,21 triệu ca), ung thư đại trực tràng (1,93 triệu ca), ung thư tuyến tiền liệt (1,41 triệu ca), dạ dày (1,09 triệu ca).
Mỗi năm, có khoảng 400.000 trẻ em mắc bệnh ung thư và 100.000 trẻ em chết mỗi năm. Cứ 10 trẻ em thì có tới 9 trẻ em bị ung thư sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết, tỷ lệ sống sót ở các nước này là dưới 30%, so với 80% ở các nước thu nhập cao.
Tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng đột biến theo độ tuổi. Điều này là do cơ chế sửa chữa tế bào kém hiệu quả hơn khi một người già đi. Bên cạnh đó, bệnh còn có xu hướng trẻ hóa phần lớn do các yếu tố đến từ lối sống.
Ung thư phát sinh từ sự biến đổi của các tế bào bình thường thành ác tính. Những thay đổi này là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố di truyền của một người và ba loại tác nhân bên ngoài gồm: Chất gây ung thư vật lý, chẳng hạn như tia cực tím và bức xạ ion hóa; chất gây ung thư hóa học, chẳng hạn như amiăng, các thành phần của khói thuốc lá, rượu, aflatoxin (chất gây ô nhiễm thực phẩm) và asen (chất gây ô nhiễm nước uống); chất gây ung thư sinh học, chẳng hạn như nhiễm trùng từ một số virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.
Trong khi đó, sử dụng thuốc lá, uống rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động và ô nhiễm không khí là những yếu tố nguy cơ gây ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác ở nhiều người.
Một số bệnh nhiễm trùng mạn tính là yếu tố nguy cơ gây ung thư rất phổ biến ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Khoảng 13% các ca ung thư được chẩn đoán vào năm 2018 trên toàn cầu là do các bệnh viêm nhiễm, gây ra bởi vi khuẩn Helicobacter pylori, virus u nhú ở người (HPV), virus viêm gan B, virus viêm gan C và virus Epstein-Barr.
Virus viêm gan B và C và một số loại HPV làm tăng nguy cơ ung thư gan và ung thư cổ tử cung. Nhiễm HIV làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung gấp 6 lần và làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư khác.
Cách giảm nguy cơ mắc ung thư
Khoảng 30-50% trường hợp ung thư hiện có thể được ngăn ngừa bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ và thực hiện các chiến lược phòng ngừa. WHO khuyến cáo mọi người giảm nguy cơ ung thư bằng những cách không sử dụng thuốc lá; duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh; có chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm trái cây và rau quả; hoạt động thể chất thường xuyên. Tránh hoặc giảm uống rượu; chủng ngừa HPV và viêm gan B nếu thuộc nhóm được khuyến cáo tiêm chủng, tránh tiếp xúc với bức xạ tia cực tím cũng rất cần thiết.
Ngoài ra, để giảm thiểu ung thư cần đảm bảo sử dụng bức xạ an toàn và thích hợp trong chăm sóc sức khỏe (cho các mục đích chẩn đoán và điều trị). Giảm thiểu tiếp xúc với bức xạ ion hóa và ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà, bao gồm radon (một loại khí phóng xạ sinh ra từ sự phân hủy tự nhiên của uranium, có thể tích tụ trong các tòa nhà, nhà ở, trường học và nơi làm việc).
Tỷ lệ tử vong do ung thư giảm khi các ca bệnh được phát hiện và điều trị sớm nhờ vào việc chẩn đoán và sàng lọc sớm. Để chẩn đoán sớm ung thư, theo WHO, mọi người cần nhận thức được các triệu chứng của các dạng ung thư khác nhau, tiếp cận các dịch vụ đánh giá và chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời.
Mỗi loại ung thư đều cần một phác đồ điều trị cụ thể. Điều trị thường bao gồm phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp sinh học nhắm mục tiêu… Việc lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp sẽ cân nhắc vào loại bệnh ung thư và cá nhân được điều trị. Hoàn thành phác đồ điều trị trong một khoảng thời gian xác định rất quan trọng để đạt được kết quả điều trị như dự đoán.
Một số loại ung thư phổ biến nhất như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư miệng và ung thư đại trực tràng có khả năng chữa khỏi cao khi được phát hiện sớm và điều trị tốt. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về khả năng điều trị giữa các quốc gia có mức thu nhập khác nhau; ở các quốc gia có thu nhập cao là hơn 90%, tỷ lệ này dưới 15% các quốc gia có thu nhập thấp.
Kim Uyên
(Theo WHO)