Năm 2020, Việt Nam có gần 26.420 ca ung thư gan mới chiếm tỷ lệ 14,5% theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan). So với năm 2018, số ca mắc mới ung thư gan tại Việt Nam tăng hơn 1.080 ca và cao nhất trong các bệnh ung thư phổ biến.
Gan đảm nhiệm những chức năng mà cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nhân tạo nào có thể hoàn toàn thay thế được gan. Do đó, mọi người nên chăm sóc gan và có biện pháp phòng ngừa ung thư gan từ sớm. Dưới đây là những cách đơn giản mà bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.
Thăm khám gan định kỳ và tiêm vaccine phòng bệnh
Khám sức khỏe, kiểm tra chức năng gan là cách tốt để phát hiện bệnh sớm. Nếu nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ung gan như bệnh nhân viêm gan B, C, viêm gan do bia rượu, xơ gan… nên tầm soát ung thư gan định kỳ tối thiểu 3-6 tháng một lần. Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan tầm soát nhiễm virus viêm gan B, C giúp tầm soát ung thư gan. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp khác như định lượng AFP, DCP (PIVKA-II), tầm soát u gan qua siêu âm, chụp CT hoặc MRI vùng bụng…
Theo trang Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (NCBI), có đến 80% bệnh nhân bị ung thư gan do tiến triển từ viêm gan B và 5% do virus viêm gan C. Do đó, để bảo vệ gan, mọi người nên tiêm phòng viêm gan B, đúng lịch và đủ số mũi được khuyến cáo.
Hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá
Theo bác sĩ Lê Văn Điềm (Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), khi rượu bia vào cơ thể, chỉ khoảng 10% lượng cồn được đào thải qua đường tiểu, mồ hôi và hơi thở, 90% còn lại sẽ được chuyển hóa và giải độc tại gan. Nếu uống quá nhiều rượu bia, gan không kịp sản xuất đủ lượng men giải độc sẽ khiến các chất cồn ứ đọng trong cơ thể, làm kích hoạt tế bào kupffer hoạt động quá mức, sản sinh nhiều chất gây viêm có hại cho cơ thể. Điều này làm hủy hoại tế bào gan và gây các bệnh lý nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Bác sĩ Điềm chia sẻ thêm, uống rượu bia không có ngưỡng nào là an toàn nên cần hạn chế tối đa. Nếu có uống, nam giới không nên vượt quá hai đơn vị cồn một ngày, một đơn vị cồn một ngày đối với nữ giới. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 lon bia 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Khói thuốc lá chứa nicotin và hơn 3.800 loại hóa chất độc hại khác. Khi hút thuốc, nồng độ nicotin và chất độc trong máu sẽ tăng cao, lúc này gan phải tăng cường hoạt động để đào thải chất độc, dễ bị tổn thương hơn. Những hóa chất tạo ra khi hút thuốc lá có tính oxy hóa mạnh dẫn đến hiện tượng peroxy hóa lipid. Điều này khiến các tế bào hình sao tại gan được kích hoạt, nguy cơ gây xơ hóa gan.
Thuốc lá còn làm tăng sản xuất các cytokine tiền viêm gây tổn thương tế bào gan, khiến chức năng gan suy yếu, xơ gan tiến triển mạnh. Thành phần asen trong khói thuốc cũng khiến nguy cơ mắc ung thư gan tăng cao hơn. Do đó, từ bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá là một trong những cách phòng ngừa ung thư gan.
Lựa chọn thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc
Bác sĩ Điềm cho biết thêm, các hóa chất độc hại, vi khuẩn, virus, nấm mốc, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất tăng trọng, chất bảo quản… từ thực phẩm khi vào cơ thể sẽ tấn công tế bào gan và kích hoạt tế bào kupffer phóng thích các chất gây viêm như TNF-α, TGF-β, interleukin, keukotriene… Chúng làm tổn thương tế bào gan, khiến gan bị hủy hoại, dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm tại gan, trong đó có ung thư gan.
Bạn cần tránh xa các món ăn bị ẩm mốc vì chúng có chứa aflatoxin gây ung thư gan. Thực phẩm chứa nhiều muối như dưa cà muối chua cũng cần hạn chế vì chứa lượng nitrosamine cao có khả năng gây ung thư cao. Dầu mỡ để lâu sinh ra chất hóa học MDA, có thể tạo ra polymer phản ứng với protein và DNA trong cơ thể, gây đột biến cấu trúc protein, làm cho tế bào đột biến thành tế bào ung thư. Đồ ăn giàu protein cũng không tốt cho gan, nhất là protein từ thịt đỏ. Muốn phòng ngừa ung thư gan, bạn nên sử dụng các loại thịt với mức độ vừa phải.
Những thực phẩm có khả năng kháng ung thư như trà xanh, trà đen, hành tây, hành tím, các loại rau lá xanh đậm, cà rốt, khoai tây, bưởi, cam, chanh, dầu olive, cà phê nguyên chất… cũng nên có trong chế độ ăn uống. Nghiên cứu của Viện Karolinska, Thụy Điển cho thấy, một ngày ăn từ 200 gram rau quả sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư gan.
Các nghiên cứu tại Nhật Bản và Đức cho thấy, sử dụng thảo dược như Wasabia và S. Marianum giúp giảm trên 50% các chất gây viêm TNF-α,TGF-β và Interleukin, nhờ đó hạn chế quá trình viêm và tổn thương gan, góp phần ngăn chặn sản xuất mô sợi gây xơ.
Tập luyện thể dục, thể thao đều đặn
Theo trang Fox News, những người thường xuyên tập thể dục giảm nguy cơ mắc 13 bệnh ung thư so với người lười vận động, trong đó bao gồm cả ung thư gan (giảm đến 27%).
Cụ thể, trong quá trình rèn luyện thể chất, tỷ lệ trao đổi chất tăng lên, các tế bào nhận được nhiều oxy và dinh dưỡng từ máu. Tập thể dục còn thúc đẩy quá trình hấp thu thụ protein và carbohydrates nhanh hơn bình thường gấp 4 lần. Nhờ đó, cân nặng được kiểm soát, giúp phòng bệnh gan nhiễm mỡ, tâm trạng cũng được cải thiện, giấc ngủ sâu và ngon hơn. Một số bộ môn luyện tập giúp hỗ trợ chức năng gan như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, tập tạ, yoga…
Xuân Diễm