Những gene có liên quan đến ung thư vú

Đột biến trên một số gene có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, trong đó BRCA1 và BRCA2 có liên quan mật thiết nhất đến bệnh lý này.

Bệnh ung thư xảy ra khi các gene quan trọng giúp sửa chữa ADN hoặc kiểm soát sự tăng trưởng của tế bào bị đột biến. Các đột biến này khiến tế bào phát triển và phân chia không kiểm soát, từ đó tạo thành khối u ung thư.

Trong hầu hết các trường hợp ung thư vú, đột biến sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của bệnh nhân và chỉ hiện diện ở một số tế bào vú nhất định. Những đột biến này được gọi là đột biến mắc phải, không có khả năng di truyền. Ở một số trường hợp ít phổ biến hơn, đột biến gene xuất hiện trong tất cả các tế bào trên cơ thể và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú. Những thay đổi này được xếp vào nhóm đột biến dòng mầm và có khả năng di truyền từ bố mẹ sang con cái. Ước tính có khoảng 5-10% bệnh nhân ung thư vú có liên quan đến đột biến di truyền.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều gene khác nhau có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư vú. Trong đó, một số đột biến thường gặp hơn các đột biến còn lại.

BRCA1 và BRCA2

BRCA1 và BRCA2 là hai gene quan trọng có khả năng ức chế khối u và chống lại ung thư. Trong tế bào bình thường, hai gene này giúp cơ thể tạo ra các protein để sửa chữa ADN bị hư hỏng. Khi bị đột biến, BRCA1, BRCA2 không còn hoạt động và thực hiện chức năng như bình thường. Điều này khiến cho các tế bào ở vú, buồng trứng và những cơ quan khác phát triển, phân chia nhanh hoặc tăng trưởng một cách không kiểm soát, từ đó dẫn đến ung thư.

Đột biến gene BRCA1 và BRCA2 là những đột biến di truyền. Một phụ nữ được di truyền đột biến gene BRCA1 hoặc BRCA2 từ bố mẹ có đến 70% nguy cơ mắc ung thư vú trước 80 tuổi. Người mang những đột biến này có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc ung thư vú ở độ tuổi trẻ hơn, cũng như dễ bị ung thư ở cả hai bên vú hơn so với người không mang đột biến. Đột biến BRCA1 hoặc BRCA2 cũng làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư khác như ung thư buồng trứng, tuyến tiền liệt, tuyến tụy…

Gene là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư. Ảnh: Freepik

Gene là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư. Ảnh: Freepik

Các gene khác

Các đột biến xảy ra trên một số gene khác cũng có thể dẫn đến ung thư vú. Tuy nhiên, các đột biến này ít phổ biến hơn và hầu như không làm tăng nguy cơ ung thư vú nhiều như gene BRCA.

ATM: Gene ATM thường giúp cơ thể sửa chữa các ADN bị hư hỏng hoặc tiêu diệt tế bào nếu không thể sửa chữa thành công. Thừa hưởng đột biến gene ATM từ bố hoặc mẹ có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú của bệnh nhân.

PALB2: Gene PALB2 tạo ra một protein kết hợp cùng protein do gene BRCA2 tạo ra để sửa chữa ADN bị hư hỏng và ngăn chặn sự phát triển của khối u. Khiếm khuyết trong các gene này có thể làm tăng khả năng mắc ung thư vú. Một số nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang đột biến gen PALB2 có 14% nguy cơ mắc bệnh trước tuổi 50 và 35% nguy cơ mắc bệnh trước tuổi 70.

TP53: Gene TP53 giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào có ADN bị hư hỏng. Đột biến di truyền trên gene này sẽ gây ra hội chứng Li-Fraumeni. Bệnh nhân mắc hội chứng này có nguy cơ cao bị ung thư vú, cũng như một số loại ung thư khác như bệnh bạch cầu, u não, sarcoma…

PTEN: Gene PTEN bình thường giúp kiểm soát sự phát triển của các tế bào. Sự thay đổi di truyền trong PTEN có thể gây ra hội chứng Cowden, một rối loạn khiến bệnh nhân có nguy cơ phát triển các khối u (cả lành tính lẫn ác tính) ở vú, cũng như trong đường tiêu hóa, tuyến giáp, tử cung và buồng trứng.

CDH1: CDH1 tạo ra một loại protein giúp các tế bào liên kết với nhau để tạo thành mô. Phụ nữ mang đột biến di truyền trong gene này có 39-52% nguy cơ bị ung thư vú tiểu thùy xâm lấn trong suốt cuộc đời.

STK11: Khiếm khuyết trong gene STK11 có thể dẫn đến hội chứng Peutz-Jeghers. Những người bị ảnh hưởng bởi hội chứng này có các đốm sắc tố trên môi và trong miệng, các khối u trong đường tiết niệu và tiêu hóa, cũng như có nguy cơ cao mắc nhiều loại ung thư, bao gồm cả ung thư vú.

PIK3CA: Gene PIK3CA cung cấp các hướng dẫn giúp tạo ra một loại protein quan trọng đối với nhiều chức năng của tế bào. Đột biến PIK3CA là một đột biến mắc phải, không thể di truyền từ bố mẹ sang con cái. Đột biến gene này được tìm thấy trong khoảng 30-40% các trường hợp ung thư vú. Điều quan trọng là bác sĩ cần xác định liệu bệnh nhân có mang đột biến PIK3CA hay không để từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

HER2: Gene HER2 tạo ra một protein gọi là HER2 (thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì ở người). Protein này được tìm thấy trên bề mặt của tất cả các tế bào vú và có chức năng giúp chúng phát triển. Nếu gene HER2 gặp vấn đề, chúng sẽ kích thích cơ thể tạo ra nhiều protein HER2 hơn, từ đó làm cho tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát. Giống như PIK3CA, đột biến gene HER2 không phải là một đột biến di truyền. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 10-20% các trường hợp ung thư vú dương tính với HER2.

Phương Quỳnh (Theo American Cancer Society, Webmd, CDC)